Quốc hội ban hành Luật Đầu tư số 61/2020/QH14, trong đó quy định hoạt động kinh doanh mua bán nợ không còn là ngành nghề kinh doanh có điều kiện.
Hiện nay, hoạt động kinh doanh mua bán nợ được điều chỉnh bởi các quy định của Bộ luật dân sự.
Quyền đòi nợ là quyền tài sản theo quy định ở Điều 105 của Bộ luật Dân sự. Chính vì được coi là một loại tài sản, nên quyền đòi nợ được phép tham gia vào các giao dịch dân sự, trong đó việc các chủ thể có quyền được thực hiện mua bán nợ với nhau.
Điều 450 Bộ luật dân sự 2015 cũng quy định về mua bán quyền tài sản:
"1. Trường hợp mua bán quyền tài sản thì bên bán phải chuyển giấy tờ và làm thủ tục chuyển quyền sở hữu cho bên mua, bên mua phải trả tiền cho bên bán.
2. Trường hợp quyền tài sản là quyền đòi nợ và bên bán cam kết bảo đảm khả năng thanh toán của người mắc nợ thì bên bán phải liên đới chịu trách nhiệm thanh toán, nếu khi đến hạn mà người mắc nợ không trả.
3. Thời điểm chuyển quyền sở hữu đối với quyền tài sản là thời điểm bên mua nhận được giấy tờ về quyền sở hữu đối với quyền tài sản đó hoặc từ thời điểm đăng ký việc chuyển quyền sở hữu, nếu pháp luật có quy định".
Như vậy, theo quy định của pháp luật một cá nhân, tổ chức có quyền bán nợ cho một cá nhân, tổ chức khác. Việc mua bán nợ không cần sự đồng ý của bên nợ, bên bán cũng không có nghĩa vụ thông báo cho bên nợ biết về việc khoản nợ đã được bán cho bên thứ ba.
Pháp luật không có quy định hợp đồng mua bán quyền tài sản cần công chứng hay chứng thực của chính quyền địa phương. Do vậy, hợp đồng mua bán quyền tài sản được công chứng hoặc chứng thực theo yêu cầu (nhu cầu) của các bên.
Có thể thấy, dưới góc độ pháp lý, việc mua bán nợ được hiểu là bên bán nợ chuyển giao một phần hoặc toàn quyền đòi nợ và các quyền khác liên quan đến việc đòi nợ cho bên mua nợ. Xét về bản chất, việc mua bán nợ nhằm đảm bảo tốt hơn quyền lợi của chủ nợ nói riêng và thị trường tài chính nói chung.